Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2021

Khi giá trị Đạo đức không thể nhấc lên được nữa!

 Thời gian qua, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã và đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện hỗ trợ đối với người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19 từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 28/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.


Lợi dụng điều này, các đối tượng xấu đã thực hiện nhiều hành vi lừa đảo, trục lợi nhắm đến người lao động, người sử dụng lao động đang trông ngóng nhận được trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp trong lần hỗ trợ này của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Nở rộ lừa đảo nhận tiền hỗ trợ qua tin nhắn.


Gần đây, một số đối tượng đã mạo danh là cơ quan Bảo hiểm Xã hội nhắn tin cho người lao động để thông báo việc nhận tiền trợ cấp do bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Nội dung tin nhắn thường sẽ đề cập người lao động truy cập một đường link để được nhận tiền, hoặc yêu cầu người lao động cung cấp nhiều thông tin cá nhân quan trọng nếu muốn nhận được trợ cấp.

Với nội dung tin nhắn đầu tiên, đây thực chất là hình thức lừa đảo phishing khi mục tiêu của tin tặc chính là người sử dụng. Điểm chung của kiểu lừa đảo này là kẻ xấu đều đánh lừa nạn nhân để click vào một website giả mạo có tên miền được đặt gần giống so với các ngân hàng, dịch vụ chuyển tiền phổ biến. Nạn nhân khi đăng nhập vào đường link được gửi thì thông tin tài khoản ngân hàng, mật khẩu, mã OTP sẽ chuyển về cho đối tượng lừa đảo. Từ đó, kẻ xấu có thể thực hiện lệnh chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng mà các nạn nhân đã vô tình cung cấp.

Còn với trường hợp yêu cầu người lao động cung cấp nhiều thông tin cá nhân quan trọng, các đối tượng có thể sử dụng thông tin được cung cấp để vay tiền trên mạng xã hội. Đối tượng lừa đảo cũng có thể sử dụng thông tin của nạn nhân để thực hiện hành vi giả mạo, chẳng hạn lập một tài khoản mạng xã hội có tên, ảnh đại diện, hình nền giống với người bị mạo danh để thực hiện các hành vi lừa đảo.

Liên quan tới vấn đề này, đại diện BHXH TP. Hà Nội khẳng định tin nhắn trên là lừa đảo, không bao giờ gửi tin nhắn có dòng chữ "chưa nhận được" và cũng không bao giờ có tin nhắn chữ "o" bằng số "0" như trên. Đồng thời, BHXH TP. Hà Nội cảnh báo người lao động không nên tin bất kỳ tin nhắn nào nếu không có chữ "BHXHVN, BHXH_HANOI,..." hiện lên khi nhận tin nhắn.

Cơ quan BHXH khuyến nghị, người lao động cần nâng cao cảnh giác do thời gian nhận hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là đến ngày 31/12/2021.

"Người lao động tuyệt đối không thực hiện bất cứ yêu cầu nào, nhất là không nhấp chuột vào bất kỳ đường dẫn nào nếu không sẽ có khả năng lộ thông tin cá nhân và bị hack tài khoản", đại diện BHXH TP Hà Nội cho biết. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét